Hơn 3.000 trường hợp mắc sởi, 25 trẻ đã tử vong nhưng đến nay Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi. Nhiều ý kiến hoài nghi về việc Bộ Y tế giấu dịch, hoặc lo sợ công bố dịch sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành y tế... PV có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Phu Cục trưởng - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về xung quanh vấn đề này.
Hiện nay, số người mắc bệnh sởi đang tăng cao kỷ lục, hàng trăm bệnh nhi phải thở máy, số trẻ em tử vong vì sởi cũng làm nhiều người giật mình với 25 trường hợp. Nhưng đến nay, Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi. Nhiều ý kiến băn khoăn, phải chăng Bộ Y tế đang giấu dịch, ông nghĩ sao về điều này?
Bộ Y tế không giấu dịch. Trên thực tế, Bộ Y tế đã có Hội nghị trực tuyến tại 63 tỉnh thành và gửi công điện, hướng dẫn các địa phương phòng bệnh, tổ chức tiêm chủng. Chúng tôi đã thông tin đến các bà mẹ, mời họ đến tiêm chủng cho con. Hướng dẫn các mẹ phòng bệnh. Do đó, hoàn toàn không có giấu giếm gì. Không công bố dịch, không có nghĩa là không thông báo, thông tin.
Vậy tại sao Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch, thưa ông?
Bộ Y tế đã họp, lấy ý kiến các chuyên gia. Sau khi họp các chuyên gia cho rằng không thấy có sự biến đổi của vi rút sởi nên không công bố dịch.
Nói như vậy, việc không công bố dịch sởi không có nghĩa là không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống. Thực tế Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố cũng đã thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các Website và trên các đài báo, đồng thời đã triển khai rất nhiều hành động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi toàn quốc.
Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung Ương luôn trong tình trạng quá tải, do số lượng bệnh nhi mắc sởi cao kỷ lục
Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và có các biện pháp phòng chống dịch.
Ông có thể cho biết, trong điều kiện nào cơ quan chức năng phải công bố dịch?
Theo quy định, việc công bố bệnh truyền nhiễm trong đó có Sởi chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau: Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ gồm: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan ý tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm hoạ.
Cứ căn cứ vào quy định đó có cứng nhắc không, khi số trẻ mắc bệnh và tử vong đã cao kỷ lục? Người dân sẽ không thấy mức độ nguy hiểm?
Tôi cho rằng không thể nói là cứng nhắc. Bởi nếu có 1 ca đủ điều kiện chúng tôi cũng sẽ công bố. Quan trọng là làm thế nào để người dân hiểu và không hoang mang. Ví dụ H7N9 có 1 ca là phải công bố ngay. Ngay cả sốt xuất huyết mỗi năm vài nghìn ca cũng chưa bao giờ công bố có dịch.
Sởi gây biến chứng nặng, trẻ phải thở máy
Chúng tôi sẽ phải bám đúng quyết định điều kiện công bố dịch của Thủ tướng mới công bố dịch cho phù hợp. Bệnh nào có 1 vài ca cũng cũng bố thì người dân sẽ sợ, không thấy được mức độ trầm trọng của nó.
Có những ý kiến cho rằng, Bộ Y tế không công bố dịch vì sợ ảnh hưởng đến cam kết thanh toán bệnh sởi của Việt Nam với Tổ chức Y tế Thế giới. Theo ông, điều này có đúng không?
Công bố dịch sởi chẳng liên quan gì đến bệnh sởi quay lại. Chúng tôi chỉ thực hiện theo quy định của Thủ tướng. Các địa phương cũng căn cứ vào quy định đó. Các tỉnh, các địa phương vẫn kiểm soát được, vẫn tổ chức tiêm vắc xin được và họ thấy kiểm soát dịch ở cộng đồng vẫn tốt nên không công bố.
Riêng tại Hà Nội chúng tôi đang tập trung giải quyết quá tải ở Bệnh viện Nhi TƯ và Bệnh viện Bạch Mai. Đấy là việc tại bệnh viện còn cộng đồng vẫn theo quyết định của thủ tướng nên chưa công bố dịch.
Ông nhận định thế nào về mức độ nguy hiểm của bệnh sởi hiện nay? Diễn biến dịch bệnh liệu có bất thường?
Để xem xét vụ dịch có những diễn biến bất thường hay không, dựa vào tác nhân gây bệnh có những sự biến đổi về chủng gây bệnh như biến đổi về gen, thay đổi về độc lực cũng như xem xét về sự lan truyền và bùng phát, mức độ nặng, nhẹ của dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy các chủng vi rút sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi rút trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực. Việc xuất hiện, sự gia tăng bệnh sởi và một số ổ dịch thời gian qua với quy mô nhỏ, tập trung hoặc rải rác.
Nguyên nhân là do quá trình tích luỹ những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh. Điều này phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin sởi cho trẻ em.
Nhiều bà mẹ lo ngại vắc xin có vấn đề nên không cho con đi tiêm, dịch vẫn lây lan. Vậy ông có khuyến cáo gì?
Vắc xin sởi là vắc xin rất an toàn và đạt hiệu quả cao. Hiệu lực đạt 80-90%. Trong thống kê, cháu nào tiêm rồi mà mắc bệnh thi vắc xin có vấn đề còn hầu hết số trẻ mắc bệnh là do không tiêm chủng. Do đó, phải hiệu quả của tiêm vắc xin sởi. Không tiêm mà bị thì đánh giá hiệu quả của vắc xin là sai.
Đăng nhận xét